một cơn sốt

Tối qua là kỷ lục đi ngủ sớm của tui. Tui đoán chừng mười giờ hơn một chút là mình đã ngủ mất đất rồi. Sáng tui muốn dậy sớm lúc 5g hoặc 5g rưỡi gì đó nhưng khi đồng hồ báo thì tui tắt và ngủ tiếp, chỉ có Cà Rem Kem Chuối là theo thói quen nghe tiếng chuông sẽ chạy ngay đến áng lên bụng tui. Thế là ba đứa tui ngủ tiếp, hoặc là có mình tui ngủ còn hai đứa kia nhìn. Và tui đi làm sớm, lên chỗ làm chỉ mới có ba người tới thui, mọi người kiểu rất ngạc nhiên há há vì cũng đúng thôi tui còn ngạc nhiên mà, ngày nào mà tui chả đi làm trễ. Ê thật ra là tui có một chiếc deal nhỏ nhẽ cho sự đi trễ này ùi nha chứ không phải tự nhiên à, nhưng điều đó cũng không nói được gì về việc tui toàn lên công ty trễ hơn tất cả mọi người u là trời.
Tui làm gì cũng nhẫn nha. Thi thoảng tui cũng muốn mình nhanh hơn nhưng thường thì nhanh nhanh hồi hay quạu quên này quên kia nên thui thà cứ từ từ.
À tối qua đáng lẽ tui làm cái project kia nhưng khi về tới nhà thì tui chỉ muốn đi nấu ăn rùi đọc sách thôi, sau đó dù còn khá nhiều thời gian nhưng tui cũng ngồi săn sale chứ không làm gì thêm.
Có hồi, cách đây chừng mấy tuần hả, đoán dị, tui thấy mình trong một cơn burn out lâu rồi mới gặp. Tức là, tui cảm thấy quá chán nản cho những-thứ-đúng-như-ý tui đang diễn ra, sao ta, rõ ràng là đúng như nguyện vọng của tui á nhưng mà tui cứ thấy nhàm kiểu gì. Lâu rồi tui mới lại có một cơn như dị, chắc phải mấy năm trời mới lại như dị. Đoạn đó, tui biết mình có thể làm ngon lành tất cả mọi thứ nhưng mà chả có gì làm tui thấy quá dui hết trơn. Tất nhiên là đã qua rồi nha trời, mấy đoạn này may hồn cũng không quá dài. Giống bị sốt, bác sĩ nói sống trong đời thì phải bị sốt nha ba cho hệ đề kháng có dịp hoạt động, tui cũng đã thấy là tâm hồn mình vừa qua một cơn sốt.
Tui cũng tự hỏi mình về nguyên nhân. Tui tìm thấy sự khác biệt khi tui làm “tự do” trong ngoặc kép nha tất nhiên rồi và khi tui về làm theo một “chu trình” cũng trong ngoặc kép nha tất nhiên rồi. Nếu trước một ngày tui có thể gặp cả ba chục người, và mỗi ngày mỗi khác thì giờ gần như suốt mấy tháng tui cũng chỉ gặp có ba chục người thôi, lặp đi lặp lại. Và tui cũng trong giai đoạn cần mình giỏi hơn nên tui chăm làm hơn chăm chơi, thành ra tối tui cũng không có nhiều sức lực cho những cuộc hẹn hò như trước nhiều. Tui cảm thấy mình cần giỏi nhanh hơn đuổi kịp thời gian của cha mẹ ông bà tui dù tui cũng biết mình sẽ vừa chạy bền vừa chạy nước rút mệt nhoài nhưng mà tui cam tâm tình nguyện. Vậy nên, tui đoán là con yêu tinh tò mò trong tui bị nép vào một góc trong lòng và rỉ rã kêu gào. Trong một tập podcast nào đó mà tui có nghe, hình như tập của Jun Phạm á, bảo rằng mình cố gắng có thành quả là vì mình muốn người nhà mình được nhìn thấy nó, nếu mãi sau mình mới làm được mà không có người nhà mình ở đó thì chuyện đó đã mất đi nhiều ý nghĩa, tui thật sự rất đồng cảm. Nên là tui vừa sống vội vừa sống chậm, vừa sống chậm vừa sống vội.
Tui cũng không biết sao nữa, chỉ là cơn đó tự dưng nó dồn dập rồi nó tự hết thôi. Không có làm gì ghê gớm. Hệ miễn dịch tuyệt vời.
Tui cảm thấy con người sống trên đời nhất định phải có sở thích. Đọc sách, nghe nhạc, xem phim, đi bộ. Cái gì cũng được, nhưng nhất định phải có. Nó sẽ là người bạn không lời tuyệt vời nhất cho những đứa nhiều tâm tư nhưng làm biếng nói ngay lúc đó (nhưng sau đó thì viết bài dài 2000 chữ như tui =))) ) Tui chẳng nhớ lắm về những điều mình đã đọc trong sách ở khoảng đó, nhưng tui biết mình có được một niềm ủi an dịu dàng không khoa trương. Tui thích đọc sách lắm, gì cũng được, không hay lúc này nhưng sẽ có lúc khác thấy hay. Ví như cuốn không diệt không sinh đừng sợ hãi tui mua tám đời rồi có đọc nổi đâu, dưng có đoạn ngồi đọc lèo hết cuốn thấy hay ghê, thấy hay thui nha chứ không nhớ lắm nội dung đâu đừng có ai mà hỏi.
Tui cảm ơn sách nha. Tui hứa là tui sẽ mở lại một tiệm sách khi thời điểm đến. Tui tin là cũng sẽ có nhiều đứa giống tui nhận được sự an lòng từ những trang giấy.
Đoạn này thì tui vui nhiều lại rùi nha, chuẩn bị thấy story reel bài viết khoe đi chơi xàm ba láp của tui đi, cái insta thấy thương này =)))
Tui đi làm được cưng chiều, bạn bè tui cũng thương tui, hết tiền là chuyển liền, đi chơi lúc nào cũng nhớ ra mà mua quà dìa cho tui, tui nhìn phèn phèn dị thui chứ ở nhà là cung túa mào hường của ba má ông bà, thi thoảng tui thấy thiếu rung động gái trai gì đó nhưng đó cũng chỉ là thi thoảng thôi, thật lòng, còn đa phần thời gian thì vẫn tha thiết lắm chèn. Nói chung tui thấy cuộc sống của tui khá xịn theo một cách nào đó. Có ai khó khăn với tui ngoài tui đâu. Nên tui cũng thấy giận mình đôi khi. Mà đó là chuyện của hôm bữa rồi. Đợt này thì tui lành lặn, hết giận mình, và dặn là bớt hối thúc mình.
Hoy dị đi, phẻ con người liền.

dịu dàng và thô ráp

Một hôm nọ, quyết định rằng mình sẽ đọc sách mỗi ngày, ăn ngon mỗi ngày, làm việc năng suất mỗi ngày, thả lỏng mỗi ngày. Suy nghĩ bé mọn nhưng chắc cũng giúp ích nhiều điều, vì thi thoảng cũng vướn vào một cái gì đó làm mình quên béng đi mất, kiểu quên béng đi mất rằng hôm đó mình cần ăn ngon và thả lỏng hoàn toàn. Kiểu vậy. Không phải lúc nào cũng làm được hết mấy điều đó, sẽ có những khi việc bận quá hoặc ham chơi quá mà mình quên đi một chút, nhưng cũng không sao, mình cố gắng làm lại vào những lúc đã nhớ ra. Giống như Lý có nói trong một buổi phỏng vấn ấy, đến một lúc nào đó sẽ quyết định hết nghèo và hết buồn. Mình, đến một lúc nào đó quyết định là một biểu hiện vừa dịu dàng vừa thô ráp.

Rời một-trong-những cái mạng xã hội thật ra không nhiễu loạn nhiều như mình nghĩ, ý mình là, thậm chí mình còn không cảm thấy gì ngoài việc mình có thêm thời gian để viết, viết và biết rằng không có một ai nhất định đang biết mình đang viết vì điều gì. Có người quan trọng với mình cũng có người từng quan trọng với mình. Có điều quan trọng với mình cũng có điều từng quan trọng với mình.
Hôm qua đi về, trời mưa to, đoạn đường đi vừa xa vừa kẹt xe. Mình cảm thấy tủi thân. Một giây phút nào đó, trong áo mưa, mình tủi thân và không muốn che giấu.

Mình để ý rằng, khi một giai đoạn nào đó trong đời sống được diễn ra, mình ít khi hài lòng về nó, chỉ đến khi đi qua một quãng và ngoái đầu nhìn lại thì mới cảm thán rằng yêu thích quá, vinh hạnh quá. Giống như mình vẫn luôn ngưỡng mộ mình của những năm tháng trước đây, nhưng sang năm thì mình sẽ ngưỡng mộ mình của thời điểm bây giờ cho coi. Kiểu vậy. Mình không biết người khác có như vậy không nhỉ?

Dạo này cuộc sống của mình tương đối dễ dàng và rảnh rang. Mình không phải kiểu thích quá rảnh rang đâu. Đoạn này xin dừng để phân định rõ ràng giữa thong thả và rảnh rang, mình thích thong thả nhưng không thích rảnh quá. Mình thích được làm việc cả cái thích và không thích trong tâm thế thong dong tận hưởng, ý mình là cả cái thích và cái không thích nhé. Chà đến đây thì mình đang tự nghĩ rằng là chắc mình nên phóng rộng lăng kính ra thêm để có thể cảm nhận được mình đang thong thả tận hưởng cái rảnh rang mà mình không thích, nhỉ, đoạn này hơi rườm rà. Triệu chứng của việc hay đọc sách phân tích tư duy chăng.

Mình muốn mua cuốn Vì sao chúng ta lại ngủ Matthew Walker và Nhím thanh lịch của Muriel Barbery nhưng cuốn thì đắt (tháng này mình đã dùng quá nhiều tiền mua sách) và cuốn thì kiếm không ra, ui trời muốn có quá đi, cái đồ ngụy biện này.

Từ chỗ mình nhìn ra, tòa nhà đối diện, có anh công nhân đang ngồi trên giàn giáo hút thuốc, chắc anh cũng đang nhìn về phía mình. Thú thật, mình không cảm thấy có quá nhiều sự khác biệt giữa các công việc với nhau, ý mình là, công việc nào cũng vừa dễ vừa khó, làm văn phòng chưa chắc sang hơn làm shipper và làm shipper chưa chắc nhọc hơn làm văn phòng, sẽ có những lúc, ngồi trong một đám đông phân định về cái này cái kia, làm trong tòa nhà với những đãi ngộ này kia và những vế so sánh ngược lại, mình thấy rờn rợn và té chạy lẹ. Những giao đãi dán nhãn mình chẳng muốn tham gia vào một cái nào hết, hồi mình nhỏ hơn mình chưa biết cách cư xử với những điều đó nên chúng có khả năng làm mình mỏi mệt, sau những buổi gặp gỡ kiểu đó mình thể nào về nhà cũng sẽ mệt rũ. Mà giờ mình giỏi hơn rồi, mình từ chối lẹ làng luôn. Hiện tại thì mình vẫn tâm niệm, thà một mình thoải mái còn hơn trong đám đông thấy bản thân hóa kệch cỡm. Thì tất nhiên là theo đó cũng cần chấp nhận một mình có lúc vui lúc buồn lúc hân hoan lúc tủi thân.

Tự nhiên một sự buồn bã lướt qua mình.

Những lần đi chơi của mình thường cứ giống giống nhau kiểu gì ấy, mình không nhận ra cho đến khi xem lại mấy cái clip quay dọc đường. Trải dài một màu xanh, núi sừng sững đứng nhìn, đôi khi có suối, đôi khi là biển, rất ít những chốn đông đúc náo nhiệt. Thật ra là mình có đi chứ, chu du thiên hạ, chỗ cỏ cây ngút ngàn cũng có, chỗ náo nhiệt đông vui cũng có. Nhưng rồi, cái neo mình nhớ vẫn là thiên nhiên bát ngát, là bầu trời cao vợi, là những người bạn chim muông cỏ lá trên đường.

Khi mình lớn hơn, như bây giờ nè, sự đi không còn quyến rũ mình quá nhiều nữa, mình cũng không quan tâm quá nhiều đến nơi chốn. Giờ đây mình đủ khả năng để chỉ cần bản thân muốn thôi là sẽ thu vén vali đi ngay được, hình tượng này mình của năm năm trước ngưỡng mộ dữ lắm. Dạo này mình thích được đi leo núi, hoặc đi bộ đường dài. Không cần áo quần đẹp, cũng không cần phải đi quá nhiều ngày, mình ở chân núi, háo hức, mình ở đỉnh núi, sảng khoái. Cảm giác này thật muốn diễn tả nhiều hơn. Mình cũng không quá quan trọng việc đi cùng ai, chỉ cần có một gương mặt vừa đủ tin tưởng là được, để an tâm hơn khi có nhau, kiểu vậy. Căn bản, khi leo núi hay đi bộ đường dài, hoạt động một mình, có mình, có đôi chân, có vai mang balo, mũ trên đầu, xong. Với kiểu người vừa thích một mình vừa cần nhìn thấy ai đó khác mình, thì có lẽ đây là một hoạt động hoàn hảo đó.

Lá cây sau mưa rất đẹp, rêu trong rừng rất đẹp. Có người từng nói với mình, nếu cắm trại gần suối, đêm đến, mình sẽ nghe tiếng suối như tiếng tivi hỏng ấy, rè rè rè rè, thế là từ đó về sau, cứ mỗi lần bắt gặp một con suối trên đường đi, liên tưởng này sẽ ập đến đầu tiên.

Nếu vũ trụ có thật sự lắng nghe mình, thì hãy để mình được gặp người bạn đồng hành của mình đi, hoặc nếu khó quá, thì có thể lấy đi suy nghĩ muốn được gặp bạn đồng hành của mình đi không? Vì mình đâu thể đứng hai chân áng chừng như vậy được nhỉ. Hoặc là cho mình gặp, hoặc là đừng cho mình nghĩ về điều đó nữa. Đừng để mình phải nghĩ mà không cho gặp chứ nhỉ?!

Tự nhiên một sự buồn bã lướt qua mình.

bá cháy

Thôi không biết đâu, mình cảm thấy mình đang quá phí phạm thời gian. Khi mình cảm thấy thế thì tức là nó đã như thế thật rồi, nhỉ. Tự dưng mình khao khát giàu có, cũng không phải tự dưng nữa, chỉ là mình bỗng dưng mãnh liệt muốn giàu có. Mình muốn có phương tiện để có thể tốt hơn, ý mình là nếu mình không đắn đo tiền nong thì mình có thể làm được nhiều thứ, đi học đi chơi bỏ tiền ra làm show riêng chẳng hạn, mở một cửa hàng nữa. Nên mục tiêu năm nay của mình là thật giàu có. Nhưng giờ gần qua tháng tư rồi mà mình còn đứng yên nè. Mình không thích đứng yên, bước tiến bước lùi gì cũng được, thật ra cũng không nên lùi, ý mình là bước ngang bước dọc sao cũng được nhưng đừng đứng yên.

Hôm bữa mình vừa có một sự giác ngộ nhận thức, mình nói quá lên đó, mình biết là mình đã nghĩ như dị nhưng mà không thừa nhận, cho đến khi có người nói với mình rằng, những áp lực khi làm cho người khác còn dễ chịu hơn nhiều lần áp lực tự làm cho chính mình. Má đúng thiệt. Có vài hôm mình thấy áp lực điên, bạc cả đầu huhu rớt nước mắt thiệt chứ. Thôi chắc tại cung ma kết nên thành ra lúc nào cũng khó khăn với bản thân, mà cung ma kết thì liên quan gì? Xàm láp thiệt chứ =)))

Được rồi mình sẽ là một cung túa phú bà mộng mơ. Mình đang thay đổi thứ tự một chút nè, hôm bữa mình là một mộng mơ cung túa phú bà =))) giờ mình đổi miếng cung túa phú bà trước rồi mộng mơ tiếp dị. Mà thực ra là tụi nó song song y chang mà ta, tồ lô quá.

Đã dị còn không yêu ai. Oy vl ít ra thì cũng đâm đầu yêu mẹ đi chứ coi có chán khum =))) yêu đương rồi dui dẻ đau khổ gì đó làm mẹ hết đi, dưng không yêu ai, quá uổng phí thời gian ui cái con khùm điên này. Nói dị thui chứ cũm khó vcl, cái brief khó nhứt giai đoạn tuổi hai mươi mấy, deadline tới đít rồi chưa debrief xong =)))

Muốn đi campuchia quá đi, không biết nữa cứ mắc đi campuchia từ năm ngoái tới giờ. Bắt một chuyến xe xuyên biên giới, bá cháy!

một ngày đẹp trời cuối năm

Mấy hôm rày cứ cảm thấy không làm gì nên hồn, dù sáng nào cũng gắng dậy sớm và ngồi vào bàn làm việc đúng boong một khung giờ, nhưng có làm gì đâu, ngồi ngẩn ngơ cả mớ thời gian. Xong vừa bực chính mình vừa thấy thương thương sao đó, vì cứ gắng làm này làm kia. Thiệt buồn cười khi thỉnh thoảng cứ tách mình ra khỏi mình, kiểu bay cái vèo ra không trung rồi nhìn chính mình coi đang làm cái giống ôn gì. Không biết do cuối năm nên đang tự review hay sao nữa, hay dẫy lắm. Mà nhờ vậy thấy mình vừa không được vừa được cái này cái nọ, nên hồi tâm trạng vẫn lỡ cỡ bao đồng giữa ok Giang giỏi giỏi nha và Giang ưi chăm chỉ nữa đi. Đoạn này đang viết tối qua thì có khách ghé.

Hồi nhỏ hơn bây giờ thích ngừi iu hát bông hồng thủy tinh cho nghe, giờ lại thấy tình yêu nếu kể bằng niệm khúc cuối thì chắc lòng dạ tạt ghi cho rất lâu về sâu, nguyện gắn bó dài lâu.

Sáng nay trời xinh xắn ghê, màu xanh da trời trong vẻo trong veo, mình mua thạch thảo có mười lăm ngàn mà cắm thành hai bình, đung đưa đung đưa ngay bệ cửa sổ, vậy thôi là mình biết mình có một ngày dễ chịu. Hôm trước trồng rau muống và cỏ, hai ngày rồi chưa thấy động tĩnh gì trơn, mong là tụi nó chịu lớn khôn. Thôi được rồi nếu bối rối quá thì hãy đi trồng cây =))) dù cũng chả bớt bối rối hơn đâu nhưng mà vui được khoảng đó, bối rối mà vui thì bối rối cũng dễ dàng hơn, đoán đoán vậy =)))

Mình nghĩ vật nuôi phản ánh tính cách của người nuôi nó đó, mình có con Chuối thân thiện vui vẻ quấn quít không rời, mình cũng có con Cà Rem khó ăn khó ở ít nói kiệm lời thích chơi mình ên, hây da hẳn là hai cái tánh kỳ lạ mâu thuẫn lớn lao của mình trong phiên bản bốn chân nhân đôi rồi.

Mình thích không khí lãng mạn của những ngày bạn ngồi chơi đàn, quán nhỏ nhạc êm, vài chung rượu nhỏ và nỗi đắn đo cảm tình, sau này có nhiều buổi chơi đàn hơn, nhưng cái lãng mạn của đêm mùa xuân đã gói gọn trong thời khắc đó, mãi mãi. Về sau vẫn là những lãng mạn mình hết lòng trân quý, nhưng cái khấp khởi đợi mong trong mình hình như đã thành một cái gì đó khác. Và mình cũng yêu lãng mạn trái hồng chín khẽ khàng thắp sáng một khoảng vườn, đợi cả năm trái hồng mới chịu đỏ trên cành, cái khô khốc gầy guộc của cây tương phản mà đồng điệu với từng chùm từng chùm trái mang theo nhựa sống vẫy vùng, mình chưa bao giờ thôi xúc động trước một cây hồng trong khu vườn, nhìn xuống có cỏ, nhìn ngang thấy cây, ngẩng mặt thấy trời. Nhắm mắt thấy lòng mình, hoặc chả thấy gì, ai biết.

Nói chung sớm nay trời đẹp quá, mình nhìn ra thấy ba đám mây nhỏ, nền da trời trong veo. Chắc trên đời này có mỗi bầu trời mang nước da xanh mà đẹp điên.

311022

Có một điều của tháng mười đó là bầu trời tối nhanh quá, cảm tưởng như một ngày qua đi cũng nhanh, và (lại) có cảm giác rằng mình vẫn chưa làm được gì nhiều nhặn mà ngày đã trôi qua hết trơn. Giờ là cuối tháng mười và mình muốn nhìn lại xem đoạn vừa qua đã đi được bao xa và làm được những gì, mình có hơi buồn vì chuyến đi hà nội mà mình cố gắng sắp xếp cho cả nhà bị gác lại vì một điều bất khả kháng, nhưng có lẽ mình buồn hơn là khi mình lỡ dùng hết luôn cái khoảng đáng lẽ ra là dành cho chuyến đi sẽ được sắp xếp sau đó. Mình ý thức về tuổi tác và những biến đổi theo thời gian của người thân, điều này thiệt không thoải mái chút nào. Sáng nay nhìn bầu trời từ khung cửa sổ phòng, mình có hơi muốn khóc một chút, vì có lẽ mình đang hơi chông chênh. Tết sắp về rồi, năm mới sắp đến mà trong tay mình thì không có gì, ngoài một cửa tiệm bán buôn lai rai có nhiều tình yêu thương, mình không hối hận vì đã chọn đi con đường này, mình chỉ hơi buồn một chút khi nghĩ tới chuyện mình muốn lo, muốn cho, muốn làm nhiều điều cho người thân nhưng khó hơn hồi đó nhiều quá. Và mình cũng cô đơn, mình không chắc về điều này, ý mình là, chuyện tình cảm vẫn chưa phải là một điều đẹp đẽ đáng tự hào với mình cho tới thời điểm này.

Mình cứ chậm chạp mãi, đôi khi mình thấy nhịp ngoài kia nhanh quá và mình thật lòng không muốn phải đi quá nhanh. Mình muốn đi một cách chậm rãi và từ tốn nhất, không bỏ qua hay phí phạm bất kỳ sát na nào của đời này, nhưng rõ ràng là mình có phí phạm một chút đó.

Tối nay mình sẽ ngủ sớm để mai dậy sớm.

Bữa mình coi vlog chỉ chị Diệp Minh bên Pháp và không khỏi ganh tị và ngưỡng mộ. Thì ra khi người ta yêu nhau đủ nhiều thì chẳng cần phải làm gì to tát cả, chẳng cần phải nói gì luôn, tình yêu cứ hiển nhiên được phô bày, vô cùng đẹp đẽ, vô cùng quyến luyến. Mình vẫn niềm tin lớn lao vào tình yêu đẹp đến với mình, những gắn bó vốn dĩ và không la lối om sòm, không hồ nghi rằng anh có yêu em không và quan trọng là em có yêu anh không, mình vẫn hay đặt câu hỏi cho chính bản thân rằng mình có thực sự đang yêu người đó hay không, hay mình chỉ đang yêu những ân cần và dễ chịu có được nhờ tình yêu. Mình đoán khi hỏi thế là khi mình vẫn chưa biết tình yêu là gì. Thật hài hước và khó ưa khi nói ra điều này.

Hôm qua bạn mình đến và mang theo một chai rượu, rượu ngon nhờ những hội ngộ. Chưa bao giờ uống một mình mà mình thấy ngon cả. Bạn mình nói việc gặp gỡ nhau là một điều may mắn của ảnh, thật ra mình cũng muốn nói rằng, đó cũng là một vinh dự và may mắn lớn của mình. Mình thích những tình bạn đẹp, đương nhiên, cái nào đẹp mình cũng thích, dù mình cũng chẳng rõ đẹp là cái gì.

Có vẻ không riêng mình, vài người kề cạnh cũng đang đi qua một năm như bọng trống, ý mình là có chút không chắc chắn bản thân đã làm được gì. Khi một người bạn khác vừa quen vừa lạ, nói là, tích cực thì đây là gap year của ảnh, còn không tích cực thì anh chưa làm được gì trong năm này. Mình đã khẳng định với ảnh rằng là đây là gap year của anh đó, yên tâm nha. Mình nói với ảnh vậy thôi chứ thực ra cũng là đang nói với chính mình.

Nếu chỉ sống cho một mình ên mình, tức là không thèm quan tâm gì tới mọi biến thiên hay nhu cầu hay kỳ vọng của gia đình, chỉ gia đình mình thôi chứ tất cả những người khác mình đều không quan tâm, ấy là, ấy là nếu chỉ sống mình riêng không thèm để ý đến tuổi của cha, nếp nhăn của mẹ, sự lớn hơn của em gái thì chắc chắn một điều rằng mình vô địch thiên hạ về sự an ổn và hài lòng. Một mình bao giờ cũng dễ dàng hơn, chí ít là với mình. Những kỳ vọng về việc được đáp ứng kỳ vọng của người thân thương làm mình thấy mình yếu đuối và dở ẹt. Nhưng tất nhiên là mình không thể sống mà phó mặc mọi thứ được rồi. Mình yêu gia đình mình, yêu sự kỳ vọng và yêu luôn cảm giác được đáp ứng mọi sự kỳ vọng.

Hồi nhỏ hơn bây giờ, thậm chí là bây giờ, mình vẫn luôn dùng hai câu hỏi để quyết định mọi việc, đó là: “làm như thế thì mình có sống nổi với mình không” và “nếu không làm như thế thì mình có sống nổi với chính mình không”. Mọi điều đều quay về chính mình, nếu giả dối thì mình xấu hổ không nhìn nổi mình trong gương, nếu không làm hết lòng một điều gì đó thì mình sẽ dằn vặt hoài mất thôi, kiểu kiểu vậy. Nên là, cái nào làm được cho người cho mình thì không bao giờ mình khước từ, dù xước xát hay thất vọng thì cũng không sao. Nên là, mình cũng có tổn thương và cũng có những nổi buồn hay niềm đau hay bất cứ danh từ tính từ nào đó có thể dùng để diễn tả, có phải thánh thần đâu mà mãi vui. Thật ra trong thần thoại truyền thuyết các kiểu thánh thần vẫn giận nhau cãi lộn buồn bã um sùm á mà. Có chăng, may mắn thay, mình biết chấp nhận mọi cảm xúc. May thật.

2010

Hôm nay là một ngày đặc biệt, tống cựu nghinh tân, xin được gửi những điều cũ về với thời gian của nó. Xin được cho mình cơ hội được nhận những điều mới. Người ta nói, những tình cảm dai dẳng nhất chính là ở những chuyện tình không thành. Vì không thành nên nó cứ ở yên đấy cho mình mặc sức mà suy tư, mặc sức mà tưởng tưởng, mặc sức đắp bồi niềm vui và cũng mặt sức chấp chới thêm buồn. Muốn cảm thấy thế nào cũng được, vì chuyện tình đã chết lâm sàn khi chưa kịp giã từ, nằm yên bất động, bên ngoài muốn làm gì với nó mà chả được.

Nếu phải cần một cái cớ cho lời chào tạm biệt thì xin mượn tạm ngày hôm nay. Ngày của hoa thắm trên đường và những nụ cười trên môi. Tạm biệt nhé, dở dang.

tui có một quá rượu trong lòng

Trong lòng tui có một quán rượu, có một tiệm cà phê không gì đánh đổi. Tui biết là kỳ vọng và sự tưởng tượng của chính mình làm tui thêm quý, thêm mến cái chốn đó chứ thực ra thì nó cũng chỉ là một nơi chốn thường tình như bao nơi chốn thường tình khác. Và thỉnh thoảng, không biết quý vị thì sao, tui cũng cảm thấy những tình yêu qua đời tui cũng không gì đánh đổi nổi, những tàn lụi và những tái sinh. Tui cũng biết, sự vọng tưởng làm mình thấy chuyện tình nào qua đời cũng đẹp. Qua đời hay qua đời thì tui chưa phân biệt được và cũng không có ý định làm chuyện đó.

Rốt cuộc thì trong một cuộc đời mình sẽ có bao nhiêu gặp gỡ nhỉ? Tui thường có sự mâu thuẫn rất kỳ khôi, vài khi rất muốn gặp gỡ, vài khi khác chỉ mong được mình ên. Không cô đơn hay cô độc gì, mấy từ đó to lớn quá với tấm lòng nhỏ của tui, chỉ là tui thích được mình ên. Vài khi như vậy. Tui thật thà thắc mắc, rốt cuộc thì sẽ có bao nhiêu gặp gỡ trong một cuộc đời? Trong vài cuốn sách tui đọc, người ta nói là, những hội ngộ đều đã được lên kế hoạch từ trước đó rất lâu, từ trước cả khi hình hài này có thực. Nên nói đúng ra là, những gặp gỡ đều là những tao ngộ dù ta có nhận ra hay không, làm gì có gặp gỡ nào là mới mẻ. Đấy là trong sách nói thế chứ tui không biết.

Tui đang viết một bản thảo mới, bản thảo bắt đầu từ lâu rất lâu rất lâu và có lẽ sẽ kéo dài rất lâu. Tui thật lòng xúc động mỗi khi viết được dù chỉ ba, năm, bảy chữ nhỏ nhoi. Tui nghĩ là mình xúc động là vì mình đang viết về những điều tui trân quý đã từng diễn ra. Viết cho quá khứ cho kỷ niệm cho những điều mà tui trân trọng suốt đời này, dù nó rời rạc. Nên tui nghĩ là nó sẽ vẫn rất lâu rất lâu rất lâu và rất lâu. Có sự mâu thuẫn, là tui vừa mong có người đọc người thấy tấm lòng mình, tui cũng lại vừa mong đừng ai biết đến một hiện diện nhỏ nhoi này.

Có phải người ta sẽ đi trong đời sống với hết mâu thuẫn này đến mâu thuẫn khác? Hết lựa chọn này đến lựa chọn khác? Ai mà biết! Vì không biết nên tui vẫn đặt câu hỏi. Tui dám cá rằng mình là một hiện diện nhỏ nhoi có vô vàn câu hỏi, không cần lời đáp.

Hồi sáng này khi tui thức dậy trễ, có con mèo rúc vào chăn, một con ở bụng một con ở chân, tui thấy mình quá là ấm áp sướng vui, nhưng tui cũng thấy phí phạm kiểu gì đó. Một sự phí phạm mà tui không gọi tên được. Thế là tui nghĩ mình phải rời khỏi cục ấm áp dễ chịu này thôi, nếu cứ thế sẽ hết một ngày mà không làm gì mất. Thật ra giờ tui cũng có làm gì đâu ngoài ngồi viết dông dài mấy điều này. Tui không có áp lực mỗi ngày trôi qua phải thiệt ý nghĩa hay năng suất, tui chỉ thường nghĩ là, thời gian hữu hạn mà tui cũng hữu hạn, tui nhất định phải vui đủ buồn đủ siêng năng đủ và biếng lười đủ. Thế.

Thỉnh thoảng tui cũng muốn nói về tình yêu, nhưng rồi nhận ra là tình yêu là thứ không có gì để nói và không có lời nào đủ để nói nhất trong cuộc đời tui. Thế nên tui có thể nói về mây hoa lá gió hết tám chục trang giấy hay ba tiếng đồng hồ liên tục, nhưng về tình yêu thì tui chọn không nói gì hết trơn. Cái sự mong manh trân quý này. Nên là tui thương ai ai thương tui thì chỉ tui và người đó biết thôi. Bí mật, công khai, trời long đất lở.

trời quang hay mây ảm

Có những điều làm mình buồn lòng quá, song mình lại nghĩ sự buồn lòng của mình sao mà bằng người trực tiếp trải qua nó được. Có câu “sinh ly tử biệt”, mình không hiểu hết hàm ý, đời này quá nhiều thứ khó mà hiểu được. Mình ghét những chia ly. Vì ghét nên chọn không hiểu hoặc vì không hiểu nên mình thấy ghét. Thật lòng thì mình biết rằng chỉ có mình mới có thể ủi an hết cho mình. Mình không biết người rời đi buồn nhiều hơn hay người ở lại buồn nhiều hơn, vì có tương phùng để hỏi đâu mà biết, nên là mình nghĩ cả hai đều buồn, buồn bắn bỏ. Cái từ buồn gì đó thiệt thô ráp, không thể diễn tả hết những gì cảm thấy, nhưng nếu nói là khổ hay đau hay gì đó lớn hơn thì không đúng, không đúng chút nào. Nên mình chọn từ buồn để dùng tạm.

Dù mình hay nói đời sống mình yên ả dễ dàng, thật ra vì mình cảm thấy thế và chia sẻ thế, chứ làm gì có ai mãi mãi dễ dàng, có ai mãi mãi được cỏ mềm lót chân, mà dù cho có cỏ lót chân thì cũng côn trùng rắn rít muỗi chích cây rơi trúng đầu đâu, thì, mình như vậy đó. Có chăng may mắn là mình luôn cảm thấy may mắn khi có đoạn cỏ mềm có đoạn gập gềnh khó đi, hành trang mang theo chẳng gì ngoài cái suy nghĩ rằng mình may mắn và kiểu gì cũng sống được, hành trang nhẹ hều.

Mình cũng không gặp bao nhiêu người, vòng kết nối của mình cứ lớn ra rồi hẹp đi rồi lớn ra rồi hẹp đi rồi lớn ra, sự này thì chỉ mỗi mình biết. Mình nghĩ là mình cần nghỉ ngơi, dù cũng không bận bịu gì, nhưng tấm lòng mình sũng nước, nên mình cần nghỉ ngơi. Kỳ lạ là những lúc này thì không một gương mặt nào xuất hiện trong tâm trí mình. Mình không muốn đi cùng ai.

Mình nghĩ mình nhận ra một vài điều về tình yêu, bỗng dưng mình nghĩ thế. Đại loại là có khi mình thấy mình đang trong tình yêu nhưng không phải, mình chỉ yêu cái cảm giác mình yêu và được yêu mà thôi. Yêu cái cảm giác mình yêu và được yêu thì khác nào chỉ yêu chính bản thân mình. Điều này cũng tốt, nhưng mình không chắc nó phù hợp cho những mối gắn kết lớn lao, như yêu, như thương. Chỉ là mình đang nghĩ như thế thôi, mình không chắc có ai sẽ banh cái tình yêu ra mà cảm nhận như vậy. Nếu có yêu nhau, thì yêu cả niềm vui và nỗi buồn của nhau, không phải vì anh quan tâm tôi quá nên tôi yêu anh quá hay vì tôi yêu anh quá nên tôi quan tâm anh để anh biết tôi yêu anh, lằng nhằng ghê, đại loại là mình vẫn chưa biết gì về đoạn này. Hoặc có khi cũng không cần biết để mà làm gì. Thì vậy, ai biết.

Hổm mình đọc được đoạn ai đó bảo rằng, trong cái thời đại này, có khi trong danh bạ mình tồn tại những bia mộ kỹ thuật số, những dãy số mãi mãi không hồi đáp, mình cũng không xóa đi. Thiệt là đau lòng, nhưng cũng thiệt là ủi an.

mưa bão đi qua thì trời im trong

<mình chưa viết xong và cũng chẳng biết bao giờ viết xong nên mình cứ đăng vậy>

Ông nhận nuôi bất cứ sinh linh nào cần mình. Như một hôm nắng chói, hàng hoa giấy từ lầu bốn của chung cư đối diện thả một tràng xác xơ trong gió, biết rõ những cánh khô sẽ theo gió bay hút đi đến đoạn nào đó chứ chẳng sà vào nhà mình, vậy mà ông vẫn đứng dậy, cầm chổi quét xoành xoạch, từng cú chổi ngắt quãng và không đều. Ngắt quãng và không đều, như tháng ngày mà ông có. Trong hốc cây gần đấy, phát ra âm thanh yếu ớt của một sinh vật tội nghiệp, tay vẫn cầm khư khư cán chổi, đến gần nơi phát ra âm thanh, đón ông là một cặp mắt tròn trong veo của cô mèo tam thể. Ai có thể khước từ một ánh mắt trong veo? Huống hồ gì ông cũng đang cần một sinh linh nào đó ở gần mình, một sinh linh nào đó cần ông ngoại trừ chính ông. Vậy là từ đó, căn nhà ọp ẹp đối diện chung cư cũ bốn tầng có thêm một thành viên lặng lẽ.

Ngày tháng lớn dần theo mùa thay lá của cây, con mèo cũng lớn dần cùng tình thương của ông và những người xa lạ đi ngang. Một ngày, mèo ta đi mất, ông già xòe tay ra đếm những cuộc chia xa đã từng có trong đời mình, đếm hết mười ngón tay, xuống tiếp đôi bàn chân hồ như vẫn chưa đủ. Ôi bao cuộc tương phùng rồi biến mất, cũng có xa lạ gì đâu mà giờ ông lại ngồi đây rầu rĩ vì sự biến mất của một con mèo hoang từng được ông cưu mang.

Thành phố vẫn thơm tho và lấp lánh. Người trên chung cư tầng cao có thói quen ra hành lang ngắm mặt trời tan vào mỗi độ chiều buông. Một khối màu cam nóng rẫy, rồi dịu dần sang hồng, sang tím, cho đến khi tan ra hoàn toàn, lẫn vào sắc thẫm của đêm. Như thể ánh sáng từ mặt trời đã tách ra thành nhiều mảnh li ti và vướn vào các trụ đèn, các bảng hiệu trên hầu khắp con đường. Mặt trời rực rỡ hết phần đời của mình buổi ngày, và tái sinh một lần nữa trong những ánh sáng khác, muôn hình vạn trạng. Hơn mười lần mặt trời tan mà con mèo vẫn chưa trở về. Người quanh đấy nói ông nên quên nó đi và tìm nuôi một con vật khác, nếu ông vẫn muốn. Những loài vật nuôi khi bên mình dẫu cảm tình có tha thiết thì bản năng vẫn không cho phép nó có thể nhớ nỗi một người nếu xa cách quá lâu. Đâu chỉ riêng loài mèo, loài nào chẳng thế. Những cách xa cũng làm cảm tình lờ mờ rồi mất hút, đủ huy hoàng và buồn bã như cách mặt trời tan. Có lẽ thế.

Trong những khối vuông đô thị, ấm áp hay lạnh lẽo cũng là một điều mà con người có thể chi phối được. Những thiết bị hiện đại bình bình, hiện đại và phổ biến như máy giặt, tủ lạnh nhà nào cũng có; đôi khi người ta quên mất tiếng ồ ồ của máy quạt ra sao, trẻ con sau này nhiều đứa còn chẳng biết đến trò phà hơi vào máy quạt để phát ra tiếng u u ù ù vui tai. Và tất nhiên, cũng theo đó, cái nghề sửa máy quạt của ông già trở thành một điều xa xỉ rời rạc, ít ai nhớ tới. Người ta đi ngang nhà ông mỗi ngày, thấy mấy cái quạt cũ được trưng ra đường trông hay hay, nhiều màu, trông có vẻ hoài niệm. Giờ đây hoài niệm cũng là một phong cách sống thịnh hành, tự bao giờ mà hoài niệm được gán cho mình cái nhãn phong cách sống? Ông đâu quan tâm điều đó làm gì, ông chỉ biết là dạo này chẳng thấy mấy người mang quạt máy đi sửa. Và con mèo tam thể hai mắt trong veo, đuôi có đốm đen của của ông chắc đã quên đường về.

Rồi một ngày nọ, cũng trong một góc lặng lẽ nào đó của chốn đô thị thơm tho này, ông lại thấy có một sinh linh khác cần mình. Chưa kịp nghĩ cho xong thì trong ngôi nhà ọp ẹp đối diện chung cư đã xuất hiện một thằng nhóc sáu tuổi gọi ông là ông ngoại dù chẳng có chút máu mủ ruột rà nào. Trong trí nhớ mơ hồ của những người dân quanh đó, kể rằng bữa ấy trời mưa như trút, những con hẻm của dân ngụ cư dềnh lên bới rác và nước bẩn, góc cầu thang chung cư có tiếng trẻ con khóc lớn. Không rõ vì mưa to, hay vì những ô vuông đô thị được đúc chắc chắn cách âm quá tốt, hay vì khu chung cư người ta ở tầng cao quá nên tiếng khóc trẻ con bị pha loãng đi không ai nghe, chỉ có ông già sửa máy quạt trong căn nhà ọp ẹp lối cầu thang là nghe thấy. Một đôi mắt tròn trong veo đầy nước. Ai có thể khước từ đôi mắt trong veo ấy?

Trong những cuộc lao xao ủa người thị thành bận rộn, những người vẫn đinh ninh rằng phần đời ai nấy sống, trong những hội thoại vừa quan tâm vừa lãnh đạm ấy, nghe thấy một câu chuyện khác về thằng nhóc tên Nơm ốm o ngoan ngoãn. Người ta bảo rằng, chắc hồi trẻ hơn bây giờ, ông già cũng là một người phong lưu, giờ, khi tuổi già ghé thăm bằng đồi mồi trên mặt và sợi trắng trên đầu thì nơi ông vẫn giữ nét phong trần rất riêng. Và biết đâu trong những cuộc vui buồn đã từng, của ông để lại dấu vết thân tình nào đó, đâu phải ngẫu nhiên mà nhận một đứa nhỏ làm cháu ngoại của mình.

Thằng nhỏ Nơm lớn lên cùng tiếng quạt u u ù ù và những hôm quét cánh hoa khô vô hình của ông già. Chẳng mấy khi nghe ông già trò chuyện. Kỳ lạ là những hội thoại rời rạc và lãnh đạm lại khiến người đối diện dễ chịu nhiều hơn so với những quan tâm vồn vã. Người ta tin rằng ông già sẽ nuôi nấng tốt thằng Nơm, dẫu nó ốm o và cũng ít nói như người cưu mang nó. Đôi khi người trong chung cư kiếm chuyện nhờ Nơm đi mua cái này cái kia rồi trả công cho nó bằng tiền lẻ hoặc quà bánh. Nhà nhỏ hai người nên chuyện ăn uống cũng dễ dàng, tới bữa, ông già bới cơm vào hai cái tô nhựa màu xanh, rồi hai ông cháu vừa xem tin tức từ cái tivi đời cũ nhỏ xíu mà có lần ông mua rẻ lại từ vựa ve chai. Nơm chẳng hiểu cô phát thanh viên đang nói chuyện gì, giá xăng, giá dầu, chuyện ở đẩu đâu chẳng phải nhà mình, nó chỉ thích những đoạn quảng cáo. May mà khung giờ chiếu tin tức có rất nhiều quảng cáo kèm theo. Dù không hiểu gì nhưng Nơm biết là nó yêu mến cô phát thanh viên, có khi, trong nó cũng ngập ngừng câu hỏi rằng mẹ nó có đẹp như cô không, mẹ nó có hay mặc áo dài màu xanh nước biển không. Trong lúc Nơm đặt câu hỏi trong đầu và ngó nghiêng theo những chương trình quảng cáo thì ông già thường sớt thêm cho nó khi thì cục thịt, khi thì khứa cá đã dè xương.

Con hẻm nhỏ đối diện chung cư, hàng hoa giấy chẳng ai chăm mà phủ đầy một mảng hành lang, hôm nào cũng rót đưa cánh hoa bay trong gió. Người ta có lẽ cũng quen với hình ảnh một ông già tóc bạc và một thằng nhỏ mắt to ươn ướt cứ độ chiều buông, đèn đường vàng vọt sẽ bắt ghế ngồi quay lưng ra mặt đường, ăn cơm trong trong tô và đón xem thời sự, dù ngày mưa hay ngày nắng. Nếu có đổi thay, thì cũng là thằng nhỏ cao dần, dáng lưng từng hồi thẳng thóm hơn, nhưng điều này mãi sau khi không thấy Nơm nữa, ông già mới nhận ra.

Có bữa cô Tư trên tầng hai nhờ Nơm đi mua chục hột vịt lộn về nấu lẩu kiểu miền Tây. Thằng nhỏ cầm tờ tiền polime cô đưa đi te te ra tiệm tạp hóa nép ở góc cầu thang lô sau của chung cư, đứng đợi mãi chẳng thấy bà Tám đâu. Nơm réo rắt gọi:

“Bà Tám ơi, bà Tám bán con chục hột vịt lộn… Bà Tám ơi… Bà Tám…”

Họng nó khô dần sau một tràng kêu réo thì bà Tám bước ra, ngáp dài. Bà nói hay cuốn lô tóc cho mát, độ này trời nóng nhiều, Nơm chợt nhớ ra từ hồi nó về khu này, dù nắng hay mưa, dù nóng hay mát thì nó cũng đã bao giờ thấy bà Tám xõa tóc đâu. Bà Tám lấy túi nilon đưa cho Nơm và bảo nó lại chỗ cái rổ được trùm bao bố mà lấy trứng. Thằng nhỏ nghe theo, bàn tay nhỏ xíu mở lớp bao bố lên, trong chiếc giỏ đầy trứng, có một quả trứng nhỏ xíu bị nứt, vết nứt cứ lớn dần lớn dần, nó nghe lồng ngực mình đột nhiên rộn ràng, hồ như một đóa hoa đang nở, kỳ lạ thay. Từ trong quả trứng, một nhúm lông màu vàng hiện ra, rồi nhúm lông ấy động đậy, lắc lư cái đầu nhỏ. Cặp mắt nhỏ xíu hơi xếch lên, chớp chớp nhìn Nơm. Đóa hoa trong lòng nó nở bung thành một niềm háo hức khổng lồ, Nơm lớn tiếng gọi:

“Bà Tám, bà Tám ơi… cái trứng bị bể kìa bà Tám ơi… Á!!!”

Tiếng “ơi” chưa kịp ngân hết thì nhúm lông nhỏ xíu màu vàng đã nhảy lên tay Nơm.

Ông già từ bữa đó kiếm thêm một chiếc dĩa nhỏ, đều đặn bỏ vào đấy mấy hột cơm nguội cho nhúm lông vàng. Đèn đường vẫn bật lúc sáu giờ tối, có hôm sớm hoặc trễ hơn, xê xích đâu đó chừng mươi phút, góc nhà nhỏ vẫn thấy một ông già, một thằng nhỏ sáu tuổi ngồi ăn cơm trong tô và nghe tiếng tivi ra rả, dưới chân thằng nhỏ nay có một cục màu vàng động đậy kêu réo.

Cứ Nơm đi đâu thì con vịt nhỏ cũng đi theo nó, chân hai hàng lạch bạch lạch bạnh. Có hôm người ta thấy ông già tháo bộ mặt lãnh đạm thường ngày thay bằng tiếng cười lớn khi trông thấy Nơm bắt chước theo tướng đi con vịt. Chú Lĩnh, con của bà Tám, mỗi lần thấy Nơm đến tiệm tạp hóa mua đồ đều hù rằng:

“Mày ráng nuôi nó cho bự, hôm nào chú nấu cháo vịt, cho mày cái đùi”

Mấy lúc đó nó dúi tiền nhanh vào tay chú, không quên bậm môi một cái trước khi rời đi. Về nhà, thấy thằng nhỏ buồn hiu, ông già xoay quạt sang hướng nó, tóc mai trẻ con bay bay, ông hỏi:

“Gì mà mếu?”

Tự dưng Nơm thấy oan ức, nó thấy ghét chú Lĩnh nhưng không biết làm sao, cho một muỗng cơm đầy vào miệng cố nhai, vẫn không giấu được vẻ mặt mếu máo. Miệng đầy thức ăn, nó nói chữ được chữ mất

“Chú …ĩnh đòi làm thịt… con …ịt của con”

Như thể nhúm lông vàng biết đang nói về mình, nó lúc lắc đầu ngó nghiêng. Rồi chẳng quan tâm nữa, nó cúi xuống mổ cho bằng hết mớ cơm nguội trong dĩa.

Ông già cười khà khà, lại quay quạt sang chỗ khác sau khi thấy gió hất tóc thằng nhỏ bay vào mắt nó, vừa chỉnh ông vừa nói “Có tao đây, dễ gì nó dám”. Thấy thằng nhỏ sắp nghẹn đến nơi, ông vỗ nhè nhẹ vào lưng nó.

Trong nghĩ suy con trẻ của mình, Nơm không rõ việc nó được đi học có khó khăn gì hay không. Chỉ biết là có đoạn thấy ông già đặt thêm một bàn vé số trước nhà, rồi ông học thêm người ta cách sửa lò viba, bình nấu nước, rồi nhận thay bóng đèn, ổ cắm,… cứ người trên chung cư hư cái gì thì ông sẽ biết cách mà sửa cho họ. Nơm cũng thích đến trường, ở trường cô giáo hay mặc áo dài màu xanh dương và gọi nó “Nơm ơi…”. Nếu mẹ nó ở đây thì chắc mẹ cũng sẽ thích những chiếc áo dài màu xanh dương và gọi nó tha thiết như thế. Mọi thứ ở lớp Nơm điều thích, cô giáo, các bạn, những con số hay bài tập đọc,… Nơm thích hết, duy có việc làm bài về nhà là nó chán ghét, nó không biết chín cộng tám bằng mấy mới đúng, vì tay nó chỉ có mười ngón không tài nào đếm cho hết, nó có hỏi thì ông già cũng sẽ nói đáp án chứ không chỉ nó cách làm sao để ra được đáp án đó. Có những điều ta cứ mặc định người đối diện sẽ hiểu cho, mà có phải lúc nào cũng vậy đâu.

Nơm mãi làm bài tập mà quên luôn giờ quảng cáo trên tivi; con vịt nay lớn hơn, màu lông bợt bạc đi chứ không còn vàng như râu bắp nữa, và vẫn quấn quít bên Nơm, cách không quá ba bước chân. Ông già làm gì đó lui cui mãi phía sau nhà, thời sự chiếu được hai chục phút rồi mà ông vẫn chưa lên. Tới hồi một chú đeo kính lên thay chỗ cô phát thanh viên, nói rằng chuyển sang bản tin thể thao thì ông già lên tới, đưa cho Nơm mấy cái que được tỉa tót ngang bằng nhau, rồi ông xòe ra chỉ cho thằng nhỏ cách đếm số, cứ đếm tới đâu thì bỏ que sang một bên, vậy là một hồi sẽ ra được đáp án cộng trừ đúng chóc. Nơm làm thử theo lời ông nói, thấy số chín với số tám cộng vào nhau quá dễ dàng, thằng nhỏ vui vẻ trở lại, đóa hoa trong lòng nó như lấp lánh hơn, Nơm lí nhí “cảm ơn ngoại” rồi cạ cạ gò má đầy lông măng vào cái cái cằm toàn râu của ngoại, nghe nhồn nhột, thằng nhỏ cười khúc khích, con vịt nhảy tọt lên đùi Nơm, hồ như cũng muốn được vui chung.

Bữa đó trời nắng dữ, cái nắng buổi trưa tháng mười khô khốc làm người ta dễ quăng thả cáu kỉnh. Nơm đeo cặp đi ton ton trong con hẻm nhỏ, về đến nhà, mặt thằng nhỏ vươn nắng nóng ran; ông già loay hoay sửa lò viba phía trong, sáng giờ cái lò nhỏ xíu này làm khó ông quá. Không thấy con vịt lạch bạch chạy ra đón như thường ngày, Nơm đi qua đi lại miệng giả tiếng kêu “cạp cạp cạp quạc quạc quạc”, mọi khi chỉ cần nghe tiếng chân Nơm là con vịt sẽ chạy lại ngay.

Con vịt nhỏ xíu thì đi đâu được chứ, hay là nó bị chú Lĩnh bắt làm thịt rồi. Nơm tháo cặp quăng lên chiếc bàn nhựa đỏ, tất tả chạy qua tiệm tạp hóa. Tới nơi thì thấy chú Lĩnh đang vừa xỉa răng vừa dò vé số, như nhìn ra sự lúng túng của nó, chú Lĩnh hỏi:

“Sao? Tính mua cái gì?”

Theo thói quen, chú Lĩnh đưa mắt xuống chân Nơm, không thấy một nhúm lông lúc nhúc đi cùng như thường ngày

“Con vịt đâu rồi? Ông già mần thịt rồi hả gì?”

Vậy là không phải người đàn ông này đã bắt con vịt đi, Nơm nghĩ. Nó không trả lời, quay ngoắc, chạy về nhà. Trời trưa nắng chói, câu nói vô tình của người lớn đâu hay đã gieo vào lòng con trẻ một hạt mầm lo sợ. Nơm mếu máo đi về nhà, xuống phía sau, ra phía trước, tìm ở bụi cây gần đó cũng chẳng thấy con vịt của mình đâu, hỏi ông già thì ông chỉ bảo là đi loanh quanh kiếm xem. Nó thấy ông bận, trời nóng ran, lưng ông mướt mải mồ hôi, cái quạt máy quay ồ ồ hết công suất nhưng cũng chẳng đủ sức thổi bay cái oi ả ong ong trong không khí. Có lẽ nào con vịt đã chui lại vào trong quả trứng, như cách mà những nhân vật đẹp đẽ trong truyện cổ vẫn thường xuất hiện rồi biến mất? Thằng nhỏ sáu tuổi mếu máo ra sau bếp lấy ít cơm nguội cho vào dĩa, lấy cái nón kết treo trên tường; dĩa cơm khư khư trên tay, Nơm quyết định đi tìm con vịt. Nó nhỏ xíu, làm sao có thể tự sống mà không có tay người cưu mang?!

Chắc con vịt nhớ mẹ nên đi tìm, có khi nào nó nhầm lẫn màu nắng vàng ươm ngoài kia là màu lông của vịt mẹ; giống như Nơm cũng nhiều lần nghĩ rằng ai mặc áo dài xanh da trời cũng có thể là mẹ nó. Nơm men theo vài con hẻm nhỏ, ông già dặn Nơm rằng đừng có đi bằng đường lớn vì lắm xe cộ. Ban đầu Nơm còn nhẩm rằng quẹo trái rồi quẹo phải rồi quẹo trái…, tới cái quẹo thứ mười hai thì nó không còn nhớ nổi nữa. Hai má nó đỏ bừng, mặt trời chói chang trên đỉnh đầu không chỉ dùm nó con vịt đã đi về đâu. Đóa hoa trong lòng nó bỗng bung đầy gai nhọn, đâm vào chiếc túi kiên cường của đứa nhỏ sáu tuổi, chiếc túi vỡ tung thành nhiều giọt ươn ướt. Nơm khóc òa giữa một góc đường xa lạ nào đó. Thằng nhỏ còm nhom, áo quần học sinh chưa kịp thay, chiếc nón kết rộng hơn so với vòng đầu, thằng nhỏ khóc bù lu bù loa không phải bởi sợ hãi khi quên đường về, mà vì chiếc túi kiên cường cố ra vẻ người lớn bị bể bung, lột trần. Thằng nhỏ quên mất chuyện mình đang đi tìm con vịt, chỉ nhớ là trưa nay chưa kịp ăn tô cơm cá diêu hồng chiên sốt cà mà ông già bới cho; thằng nhỏ cũng quên luôn con vịt đuôi có chấm nâu hay vàng nghệ, chỉ nhớ hôm qua nhổ tóc bạc cho ông già mỏi cả tay mà vẫn chưa xong, nó hứa hôm nay sẽ làm tiếp…

Ông già sửa xong cái lò viba, tay quệt mồ hôi đọng bên tóc mai, đưa ca nước đá lên uống nghe “ực” một tiếng. Tô cơm trên bàn còn y nguyên, sợ thằng nhỏ mắc xương nên ông lựa mua loại cá ít xương nhất, lúc chiên xong cũng đã dè ra chỉ lấy phần thịt, thằng nhỏ đi đâu mà để tô cơm nguội ngắc trên bàn? Ông già nghiêng đầu nhìn đồng hồ treo tường, thấy đã hai giờ chiều, nãy giờ ông không để ý thằng nhỏ, tưởng rằng ăn cơm xong đã đi ngủ trưa hoặc ngồi chơi với con vịt. Nhắc đến con vịt thì hồi sớm hình như Nơm có đi qua đi lại hỏi…

Nắng, và đứng gió. Trời hầm hập dễ khiến người ta đổ quạu, lớn tiếng. Chắc vì thế mà ông già nghe tiếng mình oang oang khắp con hẻm nhỏ. Gặp ai cũng hỏi có thấy thằng cháu ngoại của ông ở đâu không, nó đi hướng nào rồi. Ông sang tiệm tạp hóa, ông lên từng lầu chung cư, ông lần tìm ở bất kỳ ngóc ngách nào trông có vẻ vừa cho một đứa nhỏ trốn vào. Lưng áo ướt đẫm, mái đầu muối tiêu bết lại vì mồ hôi, chiếc bóng hồ như chạy không kịp theo dáng hình của ông. Một khoảnh khắc nào đó, ông thấy đôi mắt trong veo đang nhìn mình. Trong veo, đầy nước, vỡ thành tiếng khóc oa oa nơi chân cầu thang. Ông nghe váng vất trong đầu, say sẩm, một trong veo khác lại hiển hiện mập mờ, một trong veo có chiếc đuôi đốm đen đã bỏ ông đi ngày trước. Chiếc túi lo sợ trùm lấy, bắt cóc ông. Ông già thấy mình khó thở và váng vất. Thằng nhỏ đi đâu được chứ? Nó có nơi nào khác để đi?

Trong bài tập đếm số của Nơm,